13 bước hướng dẫn cách trồng rau sạch trong chậu và khay nhỏ
- Bằng cách trồng rau sạch tại nhà trong chậu và khay nhỏ, bạn có thể bổ sung nguồn rau sạch cho gia đình mình và có một thú vui nho nhỏ tại nhà.
>vườn rau trên sân thượng của ông bố trẻ
>Độc đáo với cây mini trồng giữa phố
Dưới đây là 13 bước hướng dẫn gieo hạt trồng rau cơ bản trong chậu và khay nhỏ rất dễ làm, mời bạn khám phá.
Bước 1: Lên kế hoạch gieo hạt
Mỗi loại cây sinh trưởng vào các mùa khác nhau. Nếu bạn dự định trồng rau tại nhà để ăn vào mùa đông, bạn nên chọn những loại rau giống hàn đới như các loại cải hay xà lách. Hãy tìm hiểu kỹ chu kỳ sinh trưởng của cây (thời gian cây phát triển và được thu hoạch), đặc tính của rau (thời tiết, độ ẩm, ánh sáng thích hợp cho cây phát triển), hay bệnh tật của cây trước khi bắt đầu gieo hạt.
Bước 2: Chuẩn bị chậu và khay để trồng rau
Tùy vào loại rau (kích cỡ phát triển và đặc tính quang hợp ánh sáng) và số lượng hạt giống bạn muốn gieo trồng, bạn có thể chọn các loại chậu và khay khác nhau. Ví dụ, bạn có thể chọn những khay nhựa, chậu nhựa hoặc chậu gốm.
Bước 3: Dùng hỗn hợp đất trồng trong chậu (soilless mix)
Để đảm bảo cây nhận được đủ dinh dưỡng từ đất, bạn nên chọn hỗn hợp đất trồng rau trong chậu để trồng cây. Chú ý không trộn thêm phân bón hay lớp đất phủ bề mặt.
Bước 4: Cho đất vào khay, chia hàng và làm lỗ tra hạt
Bước tiếp theo, dùng dụng cụ để cho đất vào khay, chia hàng và làm lỗ tra hạt. Chú ý, làm lỗ tra hạt sâu và chọn khay có lỗ để cây thoát nước dễ dàng.
Bước 5: Làm ướt đất
Trong một chiếc xô lớn, trộn đất với nước ở mức vừa phải để đất không quá ướt cũng không quá khô.
Bước 6: Đổ đất vào hộp nhỏ
Sau đó, đổ đất vào trong những chậu nhỏ, có lỗ thoát nước ở đáy chậu. Nhẹ nhàng nén đất vào trong khay cho đến khi đất đầy, cách miệng chậu khoảng 1,3 cm.
Bước 7: Tra hạt vào lỗ trong khay
Ở trong khay đất bạn vừa chuẩn bị, tra hạt rau giống vào trong khay. Bỏ hạt vào miệng lỗ tra hạt không quá nông, cũng không quá sâu, rồi vùi đất vào miệng lỗ nhẹ nhàng, chú ý không nén đất chặt để cây dễ nảy mầm.
Bước 8: Đánh dấu tên các loại rau khác nhau
Sau khi trồng hạt cây giống xong, bạn nhớ đánh dấu các loại cây khác nhau để khi cây mọc mầm, bạn sẽ biết đặc tính của từng loại cây để chăm sóc chúng.
Bước 9: Đậy túi ni lông sau khi trồng rau
Đậy túi ni lông giúp giữ độ ẩm và tăng nhiệt độ đất để cây dễ nảy mầm. Bên cạnh đó, màng túi ni lông cũng giúp ngăn ngừa sâu, bệnh xâm nhập vào đất trồng. Chú ý, đặt túi cao cách khay hoặc chậu đất khoảng 5 – 8 cm.
Bước 10: Bỏ túi ni lông để cây rau quang hợp
Sau khi cây mọc mầm, bỏ túi ni lông ra và để cây dưới ánh đèn khoảng 14 đến 16 giờ để cây quang hợp. Chú ý đèn chiếu sáng nên để cao cách bề mặt cây khoảng 2,5 – 5 cm.
Bước 11: Bón phân cho rau
Sau khi cây mọc hết lá mầm và ra lá non mới, bạn cần bón phân cho cây bằng cách trộn phân bón với nước và tưới cho cây bằng bình xịt. Ở giai đoạn này, cây phát triển nhanh, nên bạn có thể tách bớt cây từ khay lớn ra những chậu nhỏ vừa đổ đất (loại đất dùng trong chậu) để trồng.
Bước 12: Tưới nước cho cây
Tiếp tục tưới nước cho cây bằng bình xịt. Chú ý xịt nước cách xa gốc cây, xịt nước cả vào lá và quanh gốc để không làm trôi dinh dưỡng của đất. Tiếp tục chiếu đèn cao cách cây khoảng 5 – 10 cm để cây quang hợp và phát triển.
Bước 13: Chuyển cây sang chậu lớn để cây phát triển
Khi cây rau đã lớn cao và to hơn, bạn nên tách chúng ra những chậu to hơn và để ở ngoài hiên hay ban công có ánh sáng trực tiếp. Lúc này cây đã đủ khỏe để thích nghi với môi trường bên ngoài và bạn chỉ cần tưới nước thường xuyên để cây phát triển bình thường.
0 Nhận xét